Dị vật đường thở

images 1 3

I. ĐỊNH NGHĨA

Dị vật đường thở là những trường hợp dị vật rơi vào và mắc lại trên đường thở, từ thanh quản đến phế quản phân thùy. Đây là cấp cứu Tai Mũi Họng thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em, đòi hỏi phải chẩn đoán, xử trí kịp thời, nếu không có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong

II. NGUYÊN NHÂN

Thói quen ngậm đồ vật nhỏ trong miệng khi chơi, khi làm việc.

Khóc, cười đùa trong khi ăn.

Rối loạn phản xạ họng – thanh quản ở người già và trẻ em (đặc biệt ở trẻ dưới 4 tuổi do cơ khép thanh quản trên ba bình diện khi nuốt chưa hoàn chỉnh), ở người đeo canuyn lâu ngày

Do uống nước suối gây dị vật sống vào đường thở (hay gặp con tắc te, con đỉa suối).

III. BẢN CHẤT DỊ VẬT

Dị vật vô cơ: là chất khoáng trơ, kim loại, đồ chơi nhựa, kim băng, viên pin nhỏ… Loại dị vật này ít gây viêm nhiễm trừ dị vật sắc gây tổn thương niêm mạc

Dị vật hữu cơ: thịt, cua, cá lẫn xương, vỏ trứng… Loại dị vật này hay gây nhiễm trùng sớm và nặng do làm tổn thương, xây xát niêm mạc đường thở. Ngoài ra còn có dị vật sống (con tắc te, đỉa suối) chui vào sống trong đường thở, thường ở khí quản. Hoặc dị vật thực vật nhiều nhất là hạt lạc, rồi đến hạt dưa, hạt na, hạt hồng xiêm… Các loại hạt có dầu hay gây viêm nhiễm hơn các loại hạt khác

Những dị vật có nguồn gốc động vật và thực vật dễ gây niêm nhiễm, biến chứng nặng hơn dị vật vô cơ.

Đặc biệt, viên pin nhỏ với acid khô đậm đặc  thuộc loại dị vật rất nguy hiểm, nhất là khi ở lâu trong đường thở vì tính ăn mòn, phá hủy của chúng.

III. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Thường xảy ra theo 3 giai đoạn :

Giai đoạn đầu : Hội chứng xâm nhập

Giai đoạn khu trú : Hội chứng định khu tùy vị trí dị vật

Giai đoạn biến chứng : Viêm phổi, xẹp phổi …

Hội chứng xâm nhập Hội chứng xâm nhập rất có giá trị trong chẩn đoán DVĐT, có mặt trong khoảng hơn 90 % bệnh nhân, là phản xạ co thắt thanh quản, ngăn không cho dị vật rơi xuống dưới và phản xạ ho liên tiếp để tống dị vật ra ngoài.

Biểu hiện : Cơn ho sặc sụa, tím tái, trợn mắt, vã mồ hôi. Thường diễn ra nhanh khoảng 3-5 phút. Sau đó có thể có 3 khả năng xảy ra :

1. Dị vật được tống ra ngoài nhờ phản xạ bảo vệ của thanh quản.

2. Dị vật quá to, mắc kẹt, chèn ép kín tiền đình thanh quản làm cho bệnh nhân tử vong tại chỗ

3. Dị vật mắc lại ở đường thở, ở thanh, khí hoặc phế quản.

Một số ít trường hợp không có HCXN hoặc không điển hình như dị vật là con tắc te chui vào thanh quản, bệnh nhân hôn mê, liệt hầu họng, dị vật nhỏ kèm tốc độ hít vào nhanh nên vượt qua thanh môn dễ dàng, lâm sàng chỉ thấy phản xạ ho sặc sụa để tống dị vật ra mà không thấy cơn khó thở, tím tái

Cần chú ý: Nhiều trường hợp bệnh nhi có HCXN, tuy nhiên không được người lớn chứng kiến, bệnh nhân lại khó khai thác, dễ dẫn tới bỏ qua chẩn đoán, vì vậy đứng trước bệnh nhân nghi ngờ (nhữn bệnh nhân viêm phổi, viêm phế quản 1 bên tái đi tái lại nhiều lần, xẹp 1 bên hoặc 1 phân thùy, 1 thùy phổi, áp xe 1 bên hoặc 1 phân thùy phổi, khí phế thũng 1 bên…) Cần phải khám lâm sàng và nghe phổi là rất cần thiết, có thể chỉ định thêm chụp XQ phổi, hoặc nội soi kiểm tra khi vẫn còn nghi ngờ, tránh bỏ sót dẫn tới điều trị lệch hướng, gây nhiều biến chứng về sau.

Hội chứng định khu

1. Dị vật thanh quản

Triệu chứng : Sau khi xuất hiện hội chứng xâm nhập, triệu chứng chính là khàn tiếng, khó thở thanh quản ở các mức độ khác nhau với các biểu hiện:

Khó thở chậm, khó thở vào

Có tiếng rít và khàn tiếng.

Kèm theo: Bệnh nhân có thể trong tình trạng kích thích, ho khan, co lõm hõm ức và khoang liên sườn. Thỉnh thoảng bệnh nhân lên cơn co thắt thanh quản, rất dễ đưa đến tử vong nếu dị vật lớn

Nếu dị vật ở tiền đình thanh quản như băng thanh thất, thanh thất Morgani xuất hiện: Khàn tiếng tăng dần, khó thở tuỳ theo vị trí, kích thước và thời gian mắc dị vật

2. Dị vật khí quản

Đây là loại dị vật di động trong đường thở, loại dị vật này nguy hiểm vì có thể bị bắn lên bởi phản xạ ho bịt kín hạ thanh môn gây tử vong do ngạt. Có thể di chuyển xuống sâu hơn trở thành dị vật phế quản.

Triệu chứng dị vật:

Dị vật sắc nhọn BN có cảm giác đau sau xương ức, thỉnh thoảng có thể ho khạc ra ít máu.

Bệnh nhân thường xuyên khó thở kiểu hen, thỉnh thoảng có cơn khó thở dữ dội hoặc cơn ho rũ rượi do dị vật di chuyển, gây bít lên hạ thanh môn.

Nghe phổi có rales rít, rales ngáy hai bên.

Có thể nghe thấy tiếng “lật phật cờ bay” là dấu hiệu rất dặc biệt để chẩn đoán dị vật ở khí quản. Tuy nhiên rất ít gặp dấu hiệu này.

3. Dị vật ở phế quản

Hay gặp ở phế quản gốc, thường gặp ở bên phải hơn, do đường kính PQG phải lớn hơn bên trái, góc tạo bởi PQG phải và khí quản nhỏ hơn bên trái.

Triệu chứng dị vật: Triệu chứng lâm sàng tùy thuộc vào tính chất dị vật và vị trí dị vật.

Khi dị vật ở phế quản di động lên lên khí quản thường có cơn ho rũ rượi kèm theo khó thở do dị vật bít tắc vào hạ thanh môn. Trong cơn, nghe phổi có tiếng lật phật. Khi dị vật nằm ở phế quản (thời kỳ im lặng), nghe thấy rì rào phế nang bên bệnh giảm hoặc có ran rít.

Dị vật cố định ở phế quản gây xẹp phổi một bên hoặc một phần hoặc khí phế thủng;  Nếu không bít tắc có thể gây viêm phế quản, viêm phổi cấp hoặc mạn tính. Có trường hợp gây tràn khí trung thất, tràn khí dưới da.

Bệnh nhân thường khó thở cả hai thì, thở nhanh hay thở ậm ạch. Nửa lồng ngực bên bệnh kém di động, ho từng cơn, nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm hoặc mất, có ran rít, gõ đục khi xẹp, gõ trong khi khí phế thũng. Người lớn thì triệu chứng không rầm rộ như trẻ em.

 Chẩn đoán phân biệt:

– Viêm phổi

– Áp xe phổi

– Xẹp phổi

IV. BIẾN CHỨNG

Nếu không được điều trị kịp thời, dị vật đường thở có thể gây tử vong hoặc gây ra nhiều biến chứng: viêm phế quản phổi, abces phổi, viêm mủ màng phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, xẹp phổi, sẹo hẹp thanh quản..

V. ĐIỀU TRỊ

1. Cấp cứu tại chỗ

Trong trường hợp ngạt thở cần xử lý ngay nếu không bệnh nhân sẽ tử vong

Trẻ nhỏ:

Trường hợp trẻ nhỏ trong cơn ngạt thở cấp do sặc bột, sặc thức ăn hoặc vật lỏng, mềm thì người cứu hộ nhanh chóng  nắm hai cổ chân dốc ngược đứa bé lên cao, đầu hướng xuống đất, còn tay kia vỗ mạnh vào lưng cho đến khi trẻ khóc được.

Nếu sặc các vật tròn, cứng như đồng xu, viên bi, hạt hoa quả… thì nhanh chóng dốc ngược trẻ, nghiêng mặt về một bên rồi dùng tay móc dị vật ra.

Trẻ lớn: trường hợp tắc thở do dị vật là hạt thực vật, đồ chơi vào chèn tiền đình thanh quản hay buồng thanh thất Morgagni, cần áp dụng nghiệm pháp Heimlich ở tư thế bế: Người cứu hộ bế đứa trẻ bằng hai tay vòng qua bụng và thượng vị đứa trẻ, rồi dùng hai tay ép mạnh vào thượng vị theo hướng đi lên ngực.

Trẻ lớn, người già hoặc bệnh nhân quá yếu không đứng được thì có thể thực hiện thao tác Heimlich ở tư thế nằm: Để bệnh nhân nằm ngửa, đầu nghiêng qua một bên, hai bàn tay người cứu hộ chắp lại để ngay vùng thượng vị bệnh nhân, người cứu hộ ngồi phía chân sẽ ấn mạnh tay vào vùng thượng vị hướng lên trên.

Nếu nghiệm pháp Heimlich không thành công nghĩa là dị vật bị mắc kẹt chặt lại ở thanh môn. Biện pháp cuối cùng là chọc kim số 13 qua màng giáp nhẫn, thổi hơi qua kim.

Tại tuyến chuyên khoa : Tùy theo mức độ khó thở, lựa chọn nội soi gắp dị vật ngay hoặc khai khí quản rồi gắp dị vật

38303682333ca1eabd6d1c4822898406
Các cách áp dụng thủ thuật Helmlich
Video hướng dẫn