Điếc đột ngột


1.Định nghĩa
Điếc đột ngột có bệnh cảnh lâm sàng được mô tả như “tiếng sét đánh giữa trời quang”, bệnh nhân không có tiền sử suy giảm sức nghe, đột ngột mất đi 1 phần/ toàn bộ sức nghe ở 1 hoặc cả 2 tai, có thể kèm theo ù tai/ chóng mặt. Một số trường hợp biểu hiện đầu tiên là ù tai, chóng mặt rồi mới tới nghe kém
Hầu hết các trường hợp điếc không hồi phục nếu không được điều trị kịp thời
2.Tiêu chuẩn để chẩn đoán điếc đột ngột:
– Điếc tiếp nhận
– Thính lực giảm từ 30 dB trở lên trong ít nhất ở 3 tần số liên tiếp nhau
– Xảy ra đột ngột trong vòng 72 giờ.
3.Nguyên nhân sinh bệnh
– Trong lâm sàng phần lớn các trường hợp điếc đột ngột không xác định được nguyên nhân và được gọi là điếc vô căn. Một số giả thuyết được chấp nhận bao gồm:
+ Nguyên nhân siêu vi: virus quai bị, zona, sởi, cúm…
+ Tiếng ồn: các âm thanh quá lớn một cách đột ngột
+ Nguyên nhân mạch máu: co thắt mạch máu, huyết khối, xuất huyết tai trong…
+ Nguyên nhân tự miễn, rò ngoại dịch, chấn thương rách mê nhĩ màng, nhiễm độc thuốc, các khối u vùng não…
4. Triệu chứng lâm sàng
– Nghe kém: Nghe kém là triệu chứng chủ yếu, nghe kém ở một hoặc 2 bên tai, xuất hiện một cách đột ngột. Người bệnh mô tả một cách chính xác ngày giờ họ thấy xuất hiện nghe kém. Bệnh thường xảy ra ban đêm hoặc lúc buổi sáng thứ dậy. Đa số nghe kém xuất hiện và tến triển nhanh trong vòng vài phút đến vài giờ. Cũng có khi nghe kém xuất hiện rồi tăng dần trong vòng một vài ngày. Nghe kém ở nhiều mức độ khác nhau, đa số là điếc nặng, có khi là điếc đặc.
– Ù tai: là triệu chứng gây khó chị nhất cho người bệnh, có thể là ù tai tiếng trầm, nhưng đa số là ù tai tiếng cao như tiếng ve kêu, còi tàu. Ù tai thường xuất hiện cùng với nghe kém nhưng có khi ù tai xuất hiện trước triệu chứng nghe kém.
– Chóng mặt: bệnh nhân có thể bị chóng mặt quay thật sự nếu có tổn thương ở phần tiền đình ngoại biên, hoặc có thể chỉ là cảm giác mất thăng bằng hay bồng bềnh như say sóng nếu tổn thương phần tiền đình trung ương.
– Cảm giác đầy tai: thường người bệnh mô tả như bị đút nút tai
5. Cận lâm sàng
* Đo thính lực bằng âm thoa: Cho thấy là một điếc tiếp nhận Weber lan về bên lành.
* Thính lực đồ đơn âm: điếc tiếp nhận ở các mức độ khác nhau. Ngưỡng nghe đường khí và đường xương đều tăng, nhưng ở mỗi tần số ngưỡng nghe đường khí và đường xương không chênh lệch nhau quá 10dB, biểu đồ đường khí và đường xương luôn song hành

* Âm ốc tai OAEs(Oto Acoustic Emission): ứng dụng đo OAE để xác định những tổn thương nằm trong ốc tai.
* Đáp ứng thính giác thân não ABR (Auditory Brainstem Respone):
ABR được ứng dụng trong hai lĩnh vực chính là để xác định ngưỡng nghe khách quan và chẩn đoán vị trí tổn thương trong điếc tiếp âm là tại ốc tai hay sau ốc tai.
6. Điều trị điếc đột ngột:
1. Điều trị triệu chứng:
– Thuốc có tác dụng giãn mạch ngoại biên, kích thích hô hấp, tăng cường oxy máu và hoạt hoá não bộ. Các thuốc hay dùng là Divascol, Duxil, Fonzylan, Ebamin…
– Thuốc có tác dụng tăng cườn oxy máu, làm giảm sự thiếu máu cục bộ và thiếu oxy: Piracetam (Nootropyl). Thuốc có hai tác dụng chính là chống kết dính tiểu cầu, làm thuận lợi cho sự lưu chuyển hồng cầu và chống co thắt tại vi mạch.
– Thuốc làm giảm tính thấm thành mạch, ngăn ngừa sự ứ dịch ở tai trong: kháng histamin, corticoid.
– An thần
– Vitamin nhóm B
2. Điều trị nguyên nhân
Dựa vào khai thác tiền sử, bệnh sử, thăm khám, các xét nghiệm cận lâm sàng, có thể tìm thấy nguyên nhân, như nhiễm đột thuốc, viêm nhiễm, do rối loạn chuyển hóa… để điều trị nguyên nhân.
3. Điều trị hỗ trợ:
Nghỉ ngơi tránh vận động
Phong bế hạch sao
Thở oxy cao áp 5% CO2 và 95% O2